Truy cập nội dung luôn
THANH TRA TỈNH

TỈNH QUẢNG NGÃI

Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, chuyển đổi số tại Bộ Nội vụ

16/10/2022 15:30    34

Thiết thực chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), vừa qua, Bộ Nội vụ đã tổ chức Cuộc thi "Tìm hiểu về chuyển đổi số" và công bố, trao giải cho các tập thể, cá nhân có nhiều đề xuất giải pháp thực hiện chuyển đổi số tại Bộ Nội vụ. Dưới đây là bài dự thi của thí sinh Nguyễn Mạnh Tuyền - chuyên viên Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, đã được Ban Tổ chức Cuộc thi Quyết định trao giải Đặc biệt.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới; mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Trong đó, đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các Chính phủ là phải đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm đổi mới phương thức quản trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời thích ứng với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của thời đại công nghệ số.

TÌNH HÌNH CHUNG

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, là động lực phát triển của Việt Nam trong những thập kỷ tới. Chuyển đổi số là một công cuộc vĩ đại nhằm đưa Việt Nam thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Thời gian qua, việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số đã góp phần thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với cơ quan hành chính nhà nước. Trong hai năm 2019 - 2020, một số hệ thống thông tin nền tảng phát triển Chính phủ điện tử đã chính thức đưa vào vận hành (Trục liên thông văn bản quốc gia khai trương ngày 12/3/2019; Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 24/6/2019; Cổng Dịch vụ công quốc gia khai trương ngày 09/12/2019; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 19/8/2020), các nền tảng, hệ thống thông tin trên được đưa vào vận hành giúp tiết kiệm chi phí xã hội ước tính trên 9.900 tỷ đồng/năm và nhận được phản hồi tích cực của xã hội.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới; mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Trong đó, đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các chính phủ là phải đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm đổi mới phương thức quản trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời thích ứng với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của thời đại công nghệ số. 

Việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số là một trong sáu nội dung trọng tâm tại Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030(1) với mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.

Nhiều hoạt động đã được triển khai trong thời gian qua như: Kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban(2); phê duyệt, ban hành: Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025(3); Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030(4); Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030(5); Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030(6); Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030(7); Chỉ thị về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia(8); Lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là ngày chuyển đổi số quốc gia(9); triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử, đô thị thông minh,... Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam xếp vị trí thứ 86/193 quốc gia, tăng 02 bậc so với năm 2018 và đã duy trì tăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay do Liên hợp quốc đánh giá. Chỉ số an toàn thông tin toàn cầu - GCI năm 2020, Việt Nam xếp vị trí thứ 25/194 quốc gia do Liên minh viễn thông quốc tế - ITU đánh giá.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể (mọi bộ phận) và toàn diện (mọi mặt) của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Là thay đổi quy trình mới, thay đổi mô hình hoạt động mới, để cung cấp dịch vụ mới hoặc cung cấp dịch vụ đã có theo cách mới, khác với tin học hoá (ứng dụng công nghệ thông tin) là số hóa quy trình đã có, theo mô hình hoạt động đã có, để cung cấp dịch vụ đã có. Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước là hoạt động phát triển Chính phủ số của các cơ quan Trung ương, phát triển chính quyền số, đô thị thông minh của cơ quan chính quyền các cấp ở địa phương. Chuyển đổi số là sự chuyển đổi toàn bộ hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số, thông qua những ứng dụng, phần mềm, nền tảng số. Chuyển đổi số làm thay đổi thói quen, chính vì thế, cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư không chỉ là cách mạng về công nghệ mà còn là cách mạng về thể chế và chính sách. Chuyển đổi số thành công 80% là do nhận thức, thể chế, chính sách và 20% là do công nghệ. Chuyển đổi số cần cách tư duy mới và hành động mới, quyết tâm chính trị của người đứng đầu vì chuyển đổi số liên quan đến thay đổi cách vận hành, công nghệ chỉ giúp chúng ta thực hiện việc thay đổi đó. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trao giải Đặc biệt cho thí sinh Nguyễn Mạnh Tuyền - chuyên viên Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.

TẠI BỘ NỘI VỤ

Thời gian qua, Ban Cán sự đảng Bộ, lãnh đạo Bộ đã quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản (Nghị quyết, Kế hoạch) hành động để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số tại Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà làm Ủy viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ Nội vụ. Theo Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ đứng thứ 10/17 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2021 của bộ, ngành đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của cả Bộ. Trong đó, tiêu chí về nhận thức số đứng thứ 03/17 cho thấy việc tham mưu các văn bản, thể chế kịp thời, nội dung rành mạch, rõ ràng.

Việc thực hiện chuyển đổi số tại Bộ nhằm phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số của Bộ, từng bước tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng tốc độ xử lý công việc, đẩy mạnh sử dụng và lưu trữ văn bản số, giảm chi phí hoạt động, từng bước xây dựng môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian. Tái cấu trúc, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt, ưu tiên áp dụng công nghệ điện toán đám mây. Phát triển các ứng dụng, dịch vụ theo hướng sử dụng chung hạ tầng số, nền tảng số; sử dụng các công cụ phân tích thông minh để giúp lãnh đạo Bộ kịp thời đưa ra các quyết sách chính xác trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Nội vụ, đồng thời cung cấp các dịch vụ công theo phương thức số giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Tạo lập kho dữ liệu số ngành Nội vụ đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin và dữ liệu.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT - KIẾN NGHỊ THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI BỘ NỘI VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI 

1. Quyết liệt triển khai thực hiện: Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030(10); Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Nội vụ(11); Kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số của Bộ Nội vụ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030(12); Đề án chuyển đổi số của Bộ Nội vụ giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030(13); Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ Nội vụ và Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ hàng năm.

2. Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ Nội vụ (Ban Chỉ đạo), kiện toàn Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo và thành lập Tổ chuyển đổi số tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. 

3. Rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện môi trường pháp lý để việc thực hiện triển khai chuyển đổi số tại Bộ được thuận lợi, hiệu quả. Đề xuất ngày chuyển đổi số của Bộ Nội vụ.

4. Tiếp tục triển khai quyết liệt các dự án, chương trình, kế hoạch trọng điểm phục vụ quá trình chuyển đổi số tại Bộ như:

- Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) tích hợp ngành Nội vụ và Trung tâm điều hành thông minh Bộ Nội vụ (IOC).

- Dự án xây dựng CSDL quốc gia cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. 

- Dự án chuyển đổi số của Bộ Nội vụ giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Bộ Nội vụ - giai đoạn 1.

- Dự án Lưu trữ điện tử Phông Lưu trữ nhà nước Việt Nam.

- Kế hoạch thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Bộ Nội vụ.

5. Rà soát, tái cấu trúc hạ tầng CNTT, chuyển đổi hạ tầng CNTT thành hạ tầng số; Quy hoạch, định hướng chiến lược kiến trúc tổng thể; Đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng trong trường hợp cần thiết để đảm bảo đủ năng lực vận hành Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của Bộ trong hiện tại và tương lai.

6. Nghiên cứu, đề xuất, triển khai thực hiện bốn công nghệ số tiêu biểu, mạnh mẽ, hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số: Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) để ứng dụng trong các hoạt động của Bộ.

7. Phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ (LGSP) kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong nội bộ của Bộ và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Nội vụ phiên bản 2.0.

8. Nghiên cứu, xây dựng Cổng dữ liệu mở nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ dữ liệu (không mật) của Bộ; kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dữ liệu mở quốc gia (https://data.gov.vn/). 

9. Tái cấu trúc quy trình, thủ tục hành chính, thực hiện kết nối liên thông Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử của Bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia. Lưu trữ dữ liệu điện tử của công dân khi thực hiện các giao dịch trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến và Một cửa điện tử của Bộ. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ số. 

10. Đối với các đơn vị có dịch vụ công trực tuyến: cung cấp đầy đủ thông tin về số lượng thủ tục hành chính, số lượng dịch vụ công trực tuyến; công khai thủ tục hành chính theo quy định; có phần đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức khi sử dụng và có kế hoạch tích hợp dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia; nâng cấp, tăng tỷ lệ phát sinh hồ sơ xử lý trực tuyến dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (toàn trình) được điền sẵn thông tin, được cá thể hóa.

11. Nghiên cứu, xây dựng Hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp, giám sát trực tuyến. 

12. Nâng cấp Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ (https://moha.gov.vn/). Các đơn vị trực thuộc Bộ khi xây dựng, nâng cấp Trang/Cổng thông tin điện tử cần bám sát theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

13. Nghiên cứu, đề xuất tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động của Bộ: Cổng thông tin điện tử của Bộ, Tạp chí Tổ chức nhà nước, Trang Thông tin điện tử cải cách hành chính nhà nước của Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ trên mạng xã hội Zalo Official Account (OA). Khuyến khích công chức, viên chức, người lao động thay đổi khung ảnh đại diện trên Zalo theo mẫu chung trong dịp kỷ niệm các hoạt động của Bộ.

14. Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ chủ động nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất nội dung, kinh phí cụ thể để thực hiện chuyển đổi số của đơn vị mình; tiến hành xây dựng kế hoạch số hóa các lĩnh vực đơn vị quản lý, chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu đang quản lý để bảo đảm việc cập nhật thống nhất phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ. 

15. Nghiên cứu, sửa đổi Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ Nội vụ (Quyết định số 765/QĐ-BNV ngày 24/6/2021 của Bộ Nội vụ ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ Nội vụ).

16. Nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi số Thư viện của Bộ Nội vụ.

17. Nghiên cứu, xây dựng kênh tương tác số trực tuyến với người dân, doanh nghiệp.

18. Nghiên cứu, xây dựng Hệ thống quản lý thông tin báo chí, mạng xã hội viết về Bộ, ngành Nội vụ.

19. Nghiên cứu, xây dựng quy trình ISO điện tử áp dụng trong Bộ. Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, biểu mẫu, chế độ báo cáo; tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của Bộ theo quy định. 

20. Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động cải cách hành chính và chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số. Tiếp tục triển khai Đề án “Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030”.

21. Hàng năm mở các lớp bồi dưỡng liên quan đến chuyển đổi số (dài hạn, ngắn hạn) dành cho công chức, viên chức, người lao động của Bộ; cho Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo và công chức, viên chức các đơn vị chuyên trách CNTT trực thuộc Bộ. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số bằng nhiều hình thức khác nhau. 

22. Tăng cường hợp tác, trao đổi, tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về chuyển đổi số, cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ và các nước có nền Chính phủ điện tử, Chính phủ số phát triển và thực hiện chuyển đổi số thành công. Trao đổi, phối hợp nghiệp vụ với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an; Bộ Tư lệnh 86 và Ban Cơ yếu Chính phủ - Bộ Quốc phòng; Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật thông tin khi thực hiện chuyển đổi số tại Bộ. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin trực thuộc Bộ với Trung tâm Thông tin (Bộ Nội vụ).

23. Phối hợp biệt phái công chức, viên chức của Bộ Thông tin và Truyền thông có trình độ chuyên môn cao về công nghệ thông tin, có kinh nghiệm chuyển đổi số về làm việc tại Bộ Nội vụ trong khoảng thời gian nhất định để giúp Bộ triển khai chuyển đổi số. Bổ sung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyển đổi số, công nghệ thông tin, an toàn thông tin cho Trung tâm Thông tin (Bộ Nội vụ) và các đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin trực thuộc Bộ. Nghiên cứu có chế độ, cơ chế, chính sách đặc thù cho nhân lực trực tiếp về chuyển đổi số, CNTT và an toàn, an ninh mạng. Đề xuất ban hành cơ chế, chính sách thuê Chuyên gia để hỗ trợ Bộ triển khai chuyển đổi số trong thời gian lâu dài.

24. Đổi mới mô hình dạy và học bậc đại học, hỗ trợ các công cụ giảng dạy mới cho giáo viên, thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số, thay đổi cách thức giảng dạy, cách thức thi, kiểm tra. Toàn bộ hoạt động của cơ sở đào tạo, của giáo viên, của sinh viên chuyển lên môi trường số. 

25. Nghiên cứu, nâng cấp Hệ thống Họp trực tuyến của Bộ Nội vụ.

26. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng ứng dụng trao đổi công việc nội bộ (Chat) thay thế cho phần mềm eOffice hiện tại.

27. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng tổng đài (AI) trả lời tự động của Bộ để phục vụ người dân, doanh nghiệp 24/7/365 ngày.

28. Nghiên cứu, thí điểm triển khai Trợ lý ảo (Virtual Assistant) trong Bộ để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nâng cao hiệu quả, hiệu suất công việc. 

29. Hàng năm đảm bảo nguồn kinh phí cho các hoạt động chuyển đổi số. Tăng cường quản lý đầu tư, bảo đảm hiệu quả khi ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại văn bản số 639/BTTTT-THH ngày 28/02/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

30. Hàng năm triển khai việc thực hiện kiểm tra công tác chuyển đổi số của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch trong vấn đề kiểm tra, giám sát.

31. Phát triển các hệ thống đặc thù, cơ sở dữ liệu chuyên ngành sử dụng trong phạm vi toàn ngành Nội vụ để tiết kiệm thời gian, chi phí triển khai, tạo điều kiện kết nối, chia sẻ dữ liệu,... Xây dựng, phát triển nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ, tiện ích trong Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số của Bộ, ngành Nội vụ.

32. Nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Cục Chuyển đổi số trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Thông tin (Bộ Nội vụ) trong thời gian tới nhằm phát huy hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin của Bộ.

33. Một số đề xuất, kiến nghị khác:

a) Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ Hội nghị và chỉ đạo, điều hành công việc của Lãnh đạo Bộ.

b) Nghiên cứu, triển khai nền tảng quản trị nội bộ tổng thể, thống nhất trong Bộ.

c) Triển khai xây dựng các nền tảng số, kho dữ liệu số dùng chung của Bộ, ngành Nội vụ.

d) Triển khai thực hiện Đề án Thẻ công chức - viên chức điện tử.

đ) Nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống quản lý văn bản (Voffice), hệ thống thư điện tử công vụ (mail.moha.gov.vn), hệ thống Wifi đáp ứng yêu cầu sử dụng của công chức, viên chức, người lao động trong Bộ.

e) Nghiên cứu triển khai thí điểm nền tảng số “Sổ tay đảng viên điện tử”.

g) Sử dụng mã QR Code trong văn bản hành chính để giúp các đơn vị trong và ngoài Bộ tải (download) tài liệu kèm theo văn bản được thuận tiện, chính xác, nhanh chóng,...

KẾT LUẬN

Trên cơ sở chủ trương chung, cần thể chế hóa, có kế hoạch cụ thể để thực hiện chuyển đổi số của Bộ một cách toàn diện theo công thức 6+: “Công nghệ thông tin + Số hóa + Dữ liệu + Đổi mới sáng tạo + Công nghệ số + An toàn thông tin” như Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã kết luận tại Phiên họp của Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của Bộ Nội vụ ngày 18/8/2022. 

Chuyển đổi số là một cuộc chuyển đổi mang tính cách mạng, vì nó thay đổi phương thức vận hành của một ngành, một tổ chức. Chuyển đổi số ngành Nội vụ tức là toàn bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Nội vụ từ Trung ương tới địa phương sẽ làm việc chung trên một nền tảng số trong tương lai. Việc chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của lãnh đạo, nhất là nhận thức của người đứng đầu. Để chuyển đổi số thành công cần sự chung sức, đồng lòng, thống nhất của cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ nói riêng và toàn ngành Nội vụ nói chung.

                                                                   (Theo https://tcnn.vn - Tạp chí Tổ chức nhà nước - Bộ Nội vụ)

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1462

Tổng số lượt xem: 791679