Chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra: Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu thanh tra chuyên ngành
Thời gian qua, việc số hóa và quản lý, sử dụng dữ liệu trong hoạt động quản lý nhà nước của ngành công thương trên địa bàn tỉnh nói chung và hoạt động thanh tra chuyên ngành công thương nói riêng được thực hiện khá hiệu quả thông qua công tác tham mưu Giám đốc Sở và các Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực ban hành đảm bảo các quy định bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh, an toàn thông tin và văn thư, lưu trữ theo Quy chế của tỉnh và của Sở về quản lý, khai thác, sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Đồng thời, Thanh tra Sở đã đã tích cực, chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua đó góp phần thống nhất quy trình điều hành xử lý và công tác tổng hợp báo cáo đảm bảo chính xác, kịp thời thông qua việc sử dụng, cập nhật và khai thác hiệu quả hệ thống thông tin báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại tố cáo. Đây là cơ sở dữ liệu bao gồm là tập hợp thông tin về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và đưa vào khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực công thương trên Trang thông tin điện tử của Sở Công Thương Bình Thuận cũng đã được Thanh tra Sở quan tâm cập nhật thường xuyên và liên tục để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp và công chức, viên chức, người lao động của ngành truy cập, khai thác nghiên cứu, thực hiện.
Triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thanh tra, đặc biệt là khi Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01 tháng 01 năm 2024 quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng 3 năm 2024. Theo đó, Chánh Thanh tra Sở được giao quyền ban hành Quyết định thanh tra và Kết luận thanh tra thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh. Nhận thức được tầm quan trọng của chương trình chuyển đổi số, nhất là việc mở dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở của các cơ quan Nhà nước trong hoạt đông thanh tra nói chung và thanh tra chuyên ngành nói riêng để góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong Kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và của ngành Công Thương năm 2024 đã đề ra. Thanh tra Sở Công Thương đã xác định các nội dung phát triển dữ liệu số của hoạt động thanh tra trong đó ưu tiên xây dựng, sử dụng các cơ sở dữ liệu dùng chung, khai thác triệt để thông tin, dữ liệu đã có từ các cơ sở dữ liệu quốc gia và của ngành. Thực hiện kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa Thanh tra Sở với các các cơ quan, đơn vị có liên quan. Thanh tra Sở đã xác định việc số hóa và phát hành văn bản điện tử nhằm hướng đến mục tiêu 100% văn bản nội bộ của Thanh tra Sở sử dụng hình thức văn bản điện tử để từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu thanh tra chuyên ngành.
Trên cơ sở tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực từ hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh, Thanh tra Sở đã đăng ký sử dụng thiết bị lưu khóa bí mật của Thanh tra Sở, chứng thư số cho Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra Sở; đồng thời đăng ký mở sổ văn bản điện tử liên quan hoạt động thanh tra trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành của Sở và đã triển khai thực hiện từ ngày 01 tháng 3 năm 2024.
Đến nay, Thanh tra Sở đã ban hành các văn bản liên quan hoạt động của 05 cuộc thanh tra chuyên ngành theo Quyết định phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trên các lĩnh vực hoạt động điện lực, an toàn thực phẩm, xăng dầu, năng lượng tái tạo và vật liệu nổ công nghiệp và kết nối liên thông trong việc gửi nhận văn bản điện tử giữa Thanh tra Sở với các đối tượng thanh tra và các cơ quan, đơn vị có liên quan hoạt động thanh tra chuyên ngành.
Đi đôi với hoạt động thanh tra chuyên ngành là công tác xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật chuyên ngành được phát hiện thông qua công tác thanh tra. Tuy nhiên, do đặc thù của hoạt động thanh tra, Thanh tra Sở luôn chú trọng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin nên chưa tích hợp các văn bản liên quan công tác xử lý vi phạm hành chính và hoạt động của Đoàn thanh tra trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành chung của Sở. Hiện nay, Thanh tra Sở đang thực hiện quản lý các cơ sở dữ liệu liên quan đến đối tượng thanh tra, xử lý vi phạm hành chính và các văn bản nội bộ của Đoàn Thanh tra trên phần mềm Excel bao gồm các thông tin cơ bản như thông tin đối tượng thanh tra, biên bản vi phạm hành chính, biên bản xác minh tình tiết (tăng nặng, giảm nhẹ), biên bản tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm, thông tin đối tượng vi phạm, mô tả hành vi vi phạm, căn cứ pháp lý của hành vi vi phạm, quyết định xử phạt hành chính, quyết định tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm, số tiền phạt, người ký Quyết định xử phạt hành chính, người lập biên bản vi phạm hành chính, kết quả theo dõi thi hành Quyết định xử phạt hành chính...
Hình minh họa: Một số phần mềm cập nhật cơ sở dữ liệu liên quan hoạt động thanh tra,
tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và xử lý vi phạm hành chính
Trong thời gian tới, Thanh tra Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đưa vào khai thác các phần mềm quản lý xử lý vi phạm hành chính và phần mềm quản lý hồ sơ lưu trữ đoàn thanh tra do Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương triển khai để quản lý, lưu trữ các văn bản liên quan hoạt động của Đoàn Thanh tra góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thanh tra chuyên ngành./.
(Theo báo sct.binhthuan.gov.vn)