TPHCM: Thúc đẩy chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính
Năm 2024, TP. Hồ Chí Minh lấy chủ đề là năm ” “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”” càng tỏ rõ quyết tâm của chính quyền Thành phố đối với công tác CCHC, tiến tới nền hành chính ngày càng hiệu lực, hiệu quả, lấy tiêu chí phục vụ người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm.
Công tác cải cách hành chính (CCHC) từ lâu đã được các cấp lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục. Năm 2024, TP. Hồ Chí Minh lấy chủ đề là năm ” “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”” càng tỏ rõ quyết tâm của chính quyền Thành phố đối với công tác CCHC, tiến tới nền hành chính ngày càng hiệu lực, hiệu quả, lấy tiêu chí phục vụ người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm.
Nhận định về thực thi công tác CCHC, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC TP, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, các sở ngành, quận – huyện, cùng với Sở Nội vụ và Văn phòng UBND Thành phố là bộ 3 quyết định sự thành công của công tác CCHC, trong đó, vai trò, nhiệm vụ của mỗi đơn vị đã rất rõ ràng, không trùng lắp mà cần có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý.
CCHC là công tác của các cấp các ngành, nhưng cũng dễ thấy một sô cơ quan có vai trò then chốt trong sự thành công của công tác CCHC toàn Thành phố. Trong đó phải kể đến vai trò của Sở Nội vụ và Văn phòng Ủy Ban nhân dân Thành phố.
Trong kế hoạch thực hiện CCHC 6 tháng cuối năm 2024, UBND Thành phố giao Sở Nội vụ, với vai trò là cơ quan thường trực, thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Chủ trì tổng hợp, theo dõi báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính của Thành phố, tổng hợp kết quả chấm điểm CCHC Thành phố, kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo CCHC của Thành phố tháo gỡ các vướng mắc trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện CCHC.
Tham mưu UBND Thành phố theo dõi, rà soát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với lộ trình cụ thể về việc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thông qua việc nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, tuyển dụng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị; kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thành phố; kiên quyết không có tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp.
Tham mưu sửa đổi, bổ sung Đề án xác định Chỉ số CCHC sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện đánh giá đối với mỗi tiêu chí tương đồng với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; điều chỉnh tỷ lệ điểm trừ phù hợp tại các tiêu chí quan trọng.
Văn phòng UBND Thành phố là cơ quan tham mưu tổng hợp, phát huy vai trò là cơ quan đầu mối của Ủy ban nhân dân Thành phố, có nhiệm vụ:
Công khai các thủ tục hành chính được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố công bố trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày có Quyết định công bố của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.
Định kỳ hàng tháng thống kê tình hình, kết quả việc thực hiện kế hoạch, kết luận của UBND Thành phố; nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao để kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị; báo cáo UBND Thành phố xem xét, xử lý trách nhiệm thủ trưởng cơ quan, đơn vị không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, chậm trễ kéo dài trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Tham mưu UBND Thành phố tăng cường kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết TTHC, nhất là các hồ sơ tồn đọng, trễ hạn; phấn đấu xử lý dứt điểm các hồ sơ TTHC tồn đọng.
Tham mưu theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ xử lý phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị đối với những vấn đề liên quan đến TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Thành phố.
Tiếp tục rà soát, tham mưu UBND Thành phố đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC; tham mưu thẩm định, cập nhật bổ sung vào danh mục TTHC có thể tiếp nhận và giải quyết trong ngày đối với các TTHC được các cơ quan, đơn vị đề xuất, đủ điều kiện theo quy định.
Phối hợp Sở thông tin và Truyền thông, Trung tâm Chuyển đổi số khẩn trương giải quyết, tháo gỡ các khó khăn trong việc thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC trên Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC; nâng cấp Hệ thống Quản lý theo dõi nhiệm vụ của Thành phố và kết nối, tích hợp dữ liệu giữa Hệ thống theo dõi của Thành phố và Hệ thống theo dõi của Chính phủ để việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được đồng bộ, thống nhất.
Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Chuyển đổi số khẩn trương rà soát tham mưu về tổ chức đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn Thành phố; phù hợp với Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đảm bảo tính thống nhất.
Đáp ứng nhanh với thay đổi, sửa đổi trong thực hiện thủ tục hành chính
Song song, sở ngành chuyên môn, quận huyện, TP.Thủ Đức chủ động và duy trì thường xuyên công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC; Thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính đã công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, đảm bảo chỉ công khai các thủ tục hành chính còn hiệu lực; chủ động truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia để kịp thời cập nhật quyết định công bố của bộ, ngành; xây dựng dự thảo và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố công bố thủ tục hành chính trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày bộ, ngành công khai quyết định công bố
Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC); số hóa dữ liệu; công khai, minh bạch trong xử lý TTHC; khẩn trương rà soát, có kế hoạch, lộ trình cụ thể để xử lý hồ sơ tồn đọng, trễ hạn và báo cáo UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Thực hiện nghiêm việc trả lời các phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Kiểm tra tình hình giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Đảm bảo tiến độ thực hiện các chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, của Lãnh đạo Thành phố đối với các nhiệm vụ được phân công, trong đó đặc biệt lưu ý đối với nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực khiếu nại; chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp khắc phục đảm bảo giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn.
Thực hiện công tác cải cách thể chế liên quan nhằm hoàn thiện khung pháp lý triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc Hội và triển khai kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ, Thành phố về cải cách thể chế, hoàn thiện danh mục văn bản triển khai thuộc thẩm quyền ban hành của Thành phố đối với các Luật, Nghị định mới được ban hành.
Thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp nhằm trực tiếp lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu để kịp thời sửa đổi, khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động đóng góp, hiến kế giải pháp cải cách hành chính.
Phát huy hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố trong tổ chức thực hiện Chính quyền đô thị, thu hút đầu tư, công tác lập quy hoạch, liên kết vùng, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Phát động phong trào thi đua, tìm kiếm các mô hình, giải pháp đột phá, sáng tạo, hiệu quả trong công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách TTHC nói riêng gắn; thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, xem xét điều động, xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức không dám tham mưu, không dám đề xuất.
Đặt mục tiêu năm 2024, các chỉ số cải cách hành chính sẽ tăng hạng
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tại Hội nghị tổ chức vào tháng 3/2024 sơ kết công tác CCHC của Thành phố trong năm 2023 và thực hiện nhiệm vụ năm 2024.
Theo đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi đặt mục tiêu năm 2024, các chỉ số cải cách hành chính sẽ tăng gấp đôi; trong đó, chỉ số PAR Index từ xếp hạng thứ 33 lên hạng 15/63 và chỉ số SIPAS từ xếp hạng 36 lên 18/63.
“Trong 63 tỉnh thành thì chúng ta đang ở nửa dưới, như vậy chưa ngang tầm với Thành phố, chưa xứng với nỗ lực mà Thành phố bỏ ra. Vậy thì vì sao chúng ta nỗ lực nhiều, quyết tâm, tập trung mà chưa đạt được kết quả?” – Chủ tịch Phan Văn Mãi đặt vấn đề và đề nghị hội nghị phân tích những điểm yếu, hạn chế và trọng tâm giải pháp cần thực hiện.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh công tác CCHC TP. Hồ Chí Minh không có điểm kết thúc mà phải luôn được tiếp tục, được cải tiến và thúc đẩy bởi yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và yêu cầu phát triển Thành phố. Ông lưu ý đơn vị làm tốt thời điểm hiện tại nhưng không tiếp tục duy trì, đổi mới, cải tiến cách làm sẽ bị tụt hậu. Vì vậy, các đơn vị phải thi đua một cách thực chất, mục tiêu cuối cùng là nhận được sự hài lòng, khen ngợi của người dân, doanh nghiệp.
TP. Hồ Chí Minh còn khoảng trống để có động lực sáng tạo
Phân tích sâu hơn các chỉ số CCHC của TP. Hồ Chí Minh, ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ, cho biết các cơ quan đánh giá của Bộ Nội vụ rất áp lực khi đánh giá TP. Hồ Chí Minh vì vị thế của Thành phố so với cả nước.
Vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của Thành phố về kinh tế - xã hội rất quan trọng nên khi đánh giá hai chỉ số này, bản thân chúng tôi cũng áp lực” – ông Hùng nói và và khẳng định kết quả đánh giá là khách quan, chứ không áp đặt chủ quan.
Ông Hùng tiếp: Tại sao TP. Hồ Chí Minh nỗ lực như thế, quyết liệt chỉ đạo điều hành, có nhiều đột phá CCHC được lan tỏa, nhân rộng trong phạm vi cả nước lại không nhận được kết quả đánh giá tích cực hàng năm? Vì thế, chúng tôi cũng trăn trở, xem rằng công cụ của mình có phù hợp không?
Ông Hùng cho biết trong tám chỉ số thành phần khi đánh giá chỉ số CCHC thì chủ chốt là vấn đề cải cách thể chế, thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy và cải cách chế độ công vụ. Do đó, Thành phố cần quan tâm tháo gỡ các điểm nghẽn này.
Vụ trưởng Vụ CCHC nhìn nhận có nhiều nguyên nhân tác động đến kết quả CCHC. Trong đó có tình trạng bản thân các cơ quan, đơn vị chưa hài lòng với kết quả đạt được, chưa hài lòng với phối hợp giữa các đơn vị trong hệ thống. Hay bản thân thủ tục hành chính trong nội bộ còn rườm rà, có sở, ngành này cản trở sở, ngành kia trong quá trình thực hiện và có địa phương được phân cấp nhưng triển khai chưa dễ dàng …
Ông cũng dẫn chứng tình trạng quá tải trong thực hiện nhiệm vụ của công chức cũng ảnh hưởng.
Song ông cũng mong TP coi chuyển đổi số, tác động của CCHC đối với sự phát triển kinh tế - xã hội là các thế mạnh để tiếp tục có giải pháp phát huy.
Ông Phạm Minh Hùng mong với những tồn tại trong chỉ số CCHC sẽ tạo động lực tiếp tục phấn đấu cho TP. Hồ Chí Minh. “Sợ nhất là việc nếu đã đạt 100% rồi không còn gì phấn đấu gì nữa, nhưng chúng ta còn khoảng trống thì còn phấn đấu được”, ông Hùng nói.